Chỉ chuyên môn thôi thì chưa đủ
VHO-V.League sẽ vẫn tiếp tục với đầy đủ sự hấp dẫn, những rắc rối nảy sinh và thậm chí là cả nguy cơ rình rập. Trước khi có vụ việc cầu thủ của B.Bình Dương suýt nuốt lưỡi sau pha va chạm, những nguy cơ về đột quỵ, tưởng khá xa xôi với bóng đá Việt Nam, nhưng giờ thì nó đã hiện hữu và có thể trở thành mối lo lớn nếu các thành phần tham gia giải đấu, nhất là các cầu thủ không tự trang bị kiến thức cần thiết.
Trọng tài Ngô Duy Lân kịp thời sơ cứu cho cầu thủ Thiện Đức Ảnh: ĐỨC ĐỒNG
Những hiểm nguy rình rập
Đột quỵ trong bóng đá luôn là hiểm họa thường trực đối với các cầu thủ, có những người may mắn qua khỏi, nhưng cũng có những người ra đi mãi mãi… Bóng đá thế giới từng chứng kiến những cái chết thương tâm của nhiều cầu thủ vì đột quỵ. Năm ngoái, là sự ra đi của cầu thủ trẻ Bruno Boban. Chân sút 25 tuổi bị đối phương sút bóng trúng ngực ở cự ly gần trong trận đấu giữa Marsonia và Slavonija ở giải hạng 3 Croatia. Trước đó ít ngày, tại King’s Cup, tổ chức tại Thái Lan, một tình huống khá tương tự với tình huống cầu thủ suýt nuốt lưỡi trên sân Bình Dương đã xảy ra với cựu hậu vệ Liverpool Martin Skrtel. Sau khi lĩnh trọn cú tạt bóng của Chanathip Songkrasin, Skrtel đổ gục xuống sân và rơi vào tình trạng cắn lưỡi trong vô thức. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của đồng đội trên sân và sự chăm sóc của đội ngũ y tế nên cầu thủ 33 tuổi đã may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc. Trước đó lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự ra đi đột ngột khác như Miklos Feher, Jordi Pitarque, Miguel Garcia, De la Red, Sergio Sanchez...
Tình huống vừa qua trên sân Gò Đậu, trong trận đấu giữa chủ nhà Bình Dương gặp CLB Hà Nội, phút thứ 2 Thiện Đức tranh bóng bổng và va chạm mạnh với Pape Omar. Hậu vệ của Bình Dương bị choáng, các cơ mặt lệch đi và có dấu hiệu chấn thương nghiêm trọng. Trọng tài chính Ngô Duy Lân lập tức cho trận đấu tạm dừng và đỡ Thiện Đức nằm xuống, rồi dùng tay cho vào miệng để ngăn cầu thủ chủ nhà nuốt lưỡi trong vô thức. Hành động kịp thời của trọng tài chính nhận được nhiều lời ngợi khen của người hâm mộ. Trọng tài Lân cũng tiết lộ, trợ giúp ông còn có cầu thủ Phạm Thành Lương của CLB Hà Nội. Lương đã nhanh chóng tháo băng đội trưởng của mình để nhét vào giữa hai hàm của Thiện Đức, tránh trường hợp cầu thủ này nuốt lưỡi.
Chậm một chút là...
Đánh giá cao hành động kịp thời này của trọng tài Ngô Duy Lân, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng y học thể thao Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, người từng song hành cùng Đoàn Thể thao Việt Nam tại các Đại hội lớn cho rằng, chỉ cần trọng tài chậm trễ vài phút thì rất khó để cứu cầu thủ. “Ở tình huống này, trọng tài rất nhanh trí khi cho tay vào miệng để ngăn cầu thủ nuốt lưỡi trong vô thức. Với giới chuyên môn chúng tôi, nếu tình huống này xảy ra thì cách làm tốt nhất, nếu cầu thủ không bị chấn thương đốt sống cổ là ngửa đầu cầu thủ ra sau, lưỡi sẽ đẩy lên trên, giải phóng đường thở. Nếu cầu thủ bị chấn thương đốt sống cổ, thì cần một người giữ nhẹ cổ, còn người kia thì đẩy cằm lên trên để tránh cho lưỡi bị co cứng lại, tụt xuống, trở thành dị vật, chèn hoàn toàn đường thở, có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài phút”, ông Hiền nói và cho biết, với những tình huống bất ngờ như vậy, nếu trọng tài không nhanh trí, không có kỹ năng, bác sĩ ở sân chỉ cần chậm trễ một chút thì tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam – ông Nguyễn Húp cho rằng trong tình huống đó, may mà trọng tài đã nhanh trí lập tức cho dừng trận đấu và sơ cứu cầu thủ: “Trong tình huống bất ngờ, khẩn cấp như vậy, trọng tài là người đứng gần cầu thủ nhất chứ đội ngũ y tế lại ở ngoài sân. Nếu họ lao vào ngay, cũng phải mất ít nhất 30 giây. Vì thế trước mỗi mùa giải, VFF tổ chức tập huấn cho các trọng tài thì ngoài kỹ năng chuyên môn, cũng nên tập huấn kỹ kỹ năng sơ cứu, để ứng phó với các tình huống đột ngột trên sân cỏ như cầu thủ có thể va chạm dẫn đến gãy chân, bị choáng hoặc cắn lưỡi…”. Ông Húp cũng cho biết, trước mỗi mùa giải, bộ phận y tế của CLB cũng trang bị cho các HLV và cầu thủ kỹ năng sơ cứu cơ bản nhưng nếu VFF hay BTC giải tổ chức tập huấn, trong đó chú trọng hơn đến công tác này thì sẽ giúp cho các trọng tài, HLV và bản thân cầu thủ có đủ kỹ năng cần thiết để có thể tránh tình huống xấu nhất xảy ra cho mình và các đồng đội trên sân cỏ.
PV Văn Hóa đã đem vấn đề này trao đổi với Phó TTK Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) - ông Nguyễn Minh Châu thì được biết, bản thân VFF cũng có Ban y học để chăm lo mọi vấn đề liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe. Chuẩn bị cho các giải đấu, trận đấu, BTC đã phối hợp và kết nối với các trung tâm y tế, bệnh viện tại các địa phương tổ chức giải để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Tại mỗi trận đấu, luôn có một tổ y tế và xe cứu thương trực sẵn. “Qua vụ việc này, chúng tôi lại thấy hơn nữa sự cần thiết phải trang bị những kỹ năng cần thiết để các đội, các cầu thủ có thể ứng phó trong những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên y tế là lĩnh vực đặc thù, dù đã được trang bị, có thể nắm được những cái cơ bản nhưng khi áp dụng ngay vào thực tế thì còn hạn chế”, ông Châu cho biết.
Như thế để tránh những vụ việc đau lòng, thì cần sự nỗ lực hơn nữa của VFF, VPF, các trọng tài, các CLB và thậm chí là các cầu thủ, cũng phải trang bị những kỹ năng cần thiết để “cứu” mình, cứu đồng đội trong những tình huống đột ngột.
THU SÂM